Từ năm học 2017-2018, sinh viên Đại học Ngoại ngữ (ĐHQG HN) sẽ có cơ hội ra nước ngoài ít nhất một lần trong thời gian học tại trường.
Đại học Ngoại ngữ là một trong những trung tâm đào tạo giáo viên và cán bộ ngoại ngữ lớn nhất cả nước. (Ảnh: Đại học Ngoại ngữ).
Là một ngôi trường chuyên đào tạo về ngoại ngữ, các thế mạnh của nhà trường cũng tập trung vào các ngành như Sư phạm ngoại ngữ, Ngôn ngữ nước ngoài. Trong ngành Ngôn ngữ nước ngoài, từ năm 2012 nhà trường còn mở thêm các định hướng đào tạo mới gồm kinh tế, du lịch, quản trị học… Những chuyên ngành này sẽ giúp sinh viên có nền tảng để phát triển năng lực bản thân và mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS. Hà Lê Kim Anh, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN) cho biết: “Trong những năm gần đây, bên cạnh tiếng Anh, các ngoại ngữ như Nhật, Hàn, Trung đang trở nên rất hot, nhận được sự quan tâm của đông đảo thí sinh và phụ huynh. Đồng thời tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp những ngành này đều có việc làm ngay với mức lương hấp dẫn”.
PGS.TS Hà Lê Kim Anh cũng thông tin thêm, để đáp ứng nhu cầu nhân lực xã hội, năm 2017 là năm đầu tiên trường tuyển sinh ngành Sư phạm tiếng Hàn Quốc.
Theo số liệu thống kê mới đây của nhà trường, tỉ lệ sinh viên có việc làm ngay trong năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp là 95% với mức lương hấp dẫn, 5% còn lại tiếp tục học lên cao hoặc du học. Do nằm trong hệ thống ĐHQG HN, sinh viên của Đại học Ngoại ngữ còn có cơ hội học thêm chương trình đào tạo thứ hai và nhận hai bằng đại học chính quy sau khi tốt nghiệp.
Một con số ấn tượng về trường đại học Ngoại ngữ đó là Học bổng. Theo PGS.TS. Kim Anh đưa ra thống kê, cứ 5 sinh viên của trường Đại học Ngoại Ngữ thì có 1 sinh viên được nhận học bổng. “Trong quá trình sinh viên theo học tại trường, ngoài việc có cơ hội nhận học bổng trong ngân sách nhà nước, các em còn được nhận các học bổng do các tổ chức, doanh nghiệp tài trợ và các học bổng du học ngắn hạn, dài hạn tại nước ngoài”.
Theo học tại Đại học Ngoại ngữ, sinh viên có cơ hội ra nước ngoài ít nhất một lần. (Ảnh: Đại học Ngoại ngữ).
“Năm học 2017-2018 sắp tới, nhà trường sẽ thực hiện chủ trương: Sinh viên của Đại học Ngoại ngữ phải có ít nhất 1 lần được ra nước ngoài, đến đất nước mình đang theo học thứ tiếng đó trong 4 năm học đại học. Những sinh viên xuất sắc có thể nhận được học bổng tham gia các chương trình giao lưu văn hóa, học tập ngắn và dài hạn tại nước bản địa.
Còn với những sinh viên không đủ điều kiện xét nhận học bổng thì nhà trường sẽ kết nối với các trường đối tác để sinh viên và gia đình chuẩn bị một khoản kinh phí chi trả trong quá trình tham quan giao lưu, trải nghiệm văn hóa và thực tập ngắn hạn ở nước ngoài”, PGS.TS Kim Anh cho biết.
Về các chương trình hỗ trợ sinh viên sau ra trường nhanh chóng có việc làm, PGS.TS Kim Anh cho hay: “Ngoài việc cho sinh viên tự liên hệ thực tập, nhà trường cũng chủ động kết nối với các doanh ngiệp để tổ chức các đoàn kiến tập, thực tập tại doanh nghiệp cho sinh viên. Thông thường, sau khi kết thúc năm thứ 3, sinh viên đã có thể bắt đầu các chương trình kiến tập, thực tập.
Ngoài ra, hàng năm, trường còn tổ chức chương trình Ngày hội tư vấn việc làm với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, tổ chức, nhà tuyển dụng. Ngày hội việc làm là cơ hội để kết nối doanh nghiệp với sinh viên, giúp sinh viên năm cuối tìm kiếm việc làm tốt ngay khi còn chưa tốt nghiệp.
Trường tổ chức chương trình Ngày hội việc làm hằng năm giúp sinh viên năm cuối tìm kiếm cơ hội việc làm ngay khi chưa tốt nghiệp. (Ảnh: Đại học Ngoại ngữ).
Đối với các chương trình thực tập tại nước ngoài, trường sẽ kết nối với các tổ chức lao động, các tập đoàn lớn hoặc hội cựu lưu học sinh tại nước ngoài, lúc này sinh viên sẽ phải đóng một mức kinh phí nhất định để làm thủ tục và chi trả một phần cuộc sống tại đất nước họ đến. Bù lại trong quá trình thực tập, các em có thể làm việc và kiếm được nhiều hơn số tiền đã bỏ ra”.
Được biết, trường Đại học Ngoại ngữ còn thực hiện 4 chương trình liên kết với các trường của Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc. Sinh viên của trường có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa với hơn 40 câu lạc bộ cùng nhiều hoạt động phong phú.
Trường Đại học Ngoại ngữ tiền thân là trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, là một trường thành viên của Đại học quốc gia Hà Nội, đã trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển. Trường trở thành trung tâm đào tạo giáo viên và cán bộ ngoại ngữ lớn nhất, có vị trí trường đầu ngành ngoại ngữ của cả nước.
Hiện nay, trường đào tạo 14 ngành với tổng số 4.800 sinh viên và 580 giảng viên tham gia giảng dạy trực tiếp, trong đó có 3 Giáo sư, 24 Phó giáo sư, gần 100 Tiến sĩ.
Một số hình ảnh về hoạt động của Đại học Ngoại ngữ:
(Tiêu đề bài viết đã được đặt lại)
Em đang phân vân giữa 2 ngành kinh tế-tài chính và kinh tế-quản lí.
Có thể tư vấn giúp em đc k ạ ?
Mình đang học kinh tế tài chính, tùy thuộc vào em thích gì và giỏi tiếng pháp hay tiếng anh. kinh tế quản lý học 3 năm, học bằng tiếng pháp. Học phí và chương trình học e có thể tự tham khảo. Quan trọng vẫn là do e