• Tình nguyện viên Quỹ bảo trợ Trẻ em Anh Quốc - Save The Children UK
  • Từng công tác tại Công ty Language Link - Trực thuộc tập đoàn Language Link Australia
  • Từng công tác tại Công ty Cổ phần Công nghệ Eway Việt Nam
  • Thực tập sinh tại PwC Việt Nam
  • Từng công tác tại Công ty Anh ngữ Quốc tế GLN
  • Từng công tác tại Sàn Thương mại Điện tử Adayroi - Vincommerce - Trực thuộc Tập đoàn Vingroup
  • Công tác tại Công ty Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart - Trực thuộc Tập đoàn Vingroup
  • Cán bộ Tổ Trợ lý Chủ tịch Tập đoàn Vingroup
Xin chào! Mình là Hà. Có thể nói đây là vinh dự không hề nhỏ khi đã ra trường 3 năm mà vẫn được Khoa nhắc tới. Mình vốn là một người trẻ có cuộc sống đơn giản, có công việc mình yêu thích, có gia đình, có tình yêu, và những niềm vui nho nhỏ. Mình không có những thành tựu lẫy lừng, một bảng thành tích dài dằng dặc để phải trầm trồ, hay những câu chuyện lớn lao đầy ngưỡng vọng. Mình đơn giản chỉ là một cô gái đang trải nghiệm hành trình mình lựa chọn, một hành trình có khó khăn nhưng cũng đầy màu sắc. Một hành trình khiến mình thấy có ích mỗi ngày, và không ngừng lan tỏa năng lượng tích cực.
Ai đó có thể dùng những mĩ từ rất lớn lao để kể về một thời gọi là “hoàng kim” của tuổi trẻ. Còn mình, mình chỉ cảm thấy bình yên và nhẹ nhàng khi nghĩ về quá khứ. Mình đã từng cố gắng, từng nỗ lực, từng vui, từng buồn, từng trải qua những điều mà chỉ tuổi trẻ mới được quyền liều lĩnh. Và mình chưa từng hối tiếc, từ giây phút lựa chọn bước vào Khoa, cho tới khoảnh khắc được tốt nghiệp.
Kỉ niệm mà mình nhớ nhất có lẽ là thất bại khi học môn của thầy John. Hồi đó mình vừa đi học ở trường, vừa đi làm ở trung tâm tiếng Anh, và lần đầu tiên bài assignment của mình bị đánh fail do quá sơ sài, và thầy thì cực kì thất vọng. Mình đã thức trắng 3 đêm để tìm tư liệu và đặt bút làm lại từ đầu.
Đối với mình thời điểm đó, thất bại là điều không thể chấp nhận được, nó đáng sợ vô cùng. Trước khi kết thúc khóa học, mình viết 1 bức thư dài để xin lỗi và cám ơn thầy đã cho mình cơ hội. Nói chung nhắc lại vẫn còn nhiều cảm xúc. Tất nhiên cảm xúc của một người-hơi-lớn đã khác nhiều so với cô sinh viên ngày ấy. Nhưng đâu đó vẫn còn non nớt lắm haha.
Khách quan là Khoa luôn tạo điều kiện cho sinh viên được phát triển toàn diện. Chủ quan là ở mình.
Rào cản lớn nhất khi cân bằng Học – Làm – Chơi chính là cảm giác Sợ. Sợ không điều phối tốt quỹ thời gian, sợ định vị sai năng lực bản thân, sợ… lười. Nhưng rồi bạn sẽ nhận ra rằng, lo sợ chính là điều ai cũng phải trải qua và làm quen với nó. Nói 1 cách khác, nó là điều kiện tất yếu để có những bước đột phá ra khỏi giới hạn của bản thân. Nên trước hết, xác định, sợ cũng phải làm. Sau đó hãy cho mình thời gian, để quen với môi trường, quen với văn hóa, quen với cách cỗ máy này vận hành. Khi bạn làm tốt một việc, bạn mới làm tốt được 2 việc và nhiều hơn thế. Hãy bắt đầu từ những điều đơn giản. Vừa học, vừa tham gia các hoạt động quy mô nhỏ, sau đó phát triển rộng ra. Đừng ôm đồm quá nhiều thứ lấy số lượng, để rồi việc gì cũng nửa vời. Vì niềm vui của một công việc không ở nằm chỗ bạn có thể làm nó trong bao lâu, mà là tại bất cứ thời điểm nào khi bắt tay vào làm, bạn cũng có một tâm thế hứng khởi. Một khi đã có đam mê, chúng ta sẽ chẳng tính toán quỹ thời gian, và tất nhiên 24h đâu có khó để từng bước thực hiện?!
Ngày đó mình có dự định đi du học Mỹ. Mình muốn trải nghiệm một cuộc sống tự-lập-nghiêm-túc mà theo mình là lý tưởng. Mỗi ngày thức dậy, mình tự quyết định hôm nay đi đâu, ăn gì, làm gì, học gì, thậm chí lựa chọn cả tâm trạng và thái độ sống. Nhưng bạn biết đấy, kinh tế luôn là một bài toán, tuy không ai bắt mình phải tính, nhưng là đứa luôn tìm cách tối ưu mọi thứ, mình sẽ tìm cách để vừa đạt được mục tiêu, vừa không phải trả giá quá nhiều.
May mắn thay mình có duyên được biết đến Đại học Southern New Hampshire Hoa Kỳ. Tìm hiểu sâu thì biết trường có chương trình cử nhân hệ du học trong nước, với mức học phí hợp lý hơn, sinh hoạt phí hợp lý hơn, mà bằng cấp thì có giá trị không khác gì học ở trụ sở chính tại Mỹ. Tuy ngày đó khái niệm “du học trong nước” vẫn còn mới mẻ. Nhưng câu trả lời là: Sau 7 năm mình vẫn cám ơn vì ngày đó đã can đảm lựa chọn. Những điều tuyệt với nhất đều xảy ra ở ngoài vùng an toàn của mình.
Như mình có trót tiết lộ sớm ở trên. Chúng mình sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá tiền sinh hoạt cũng như chi phí đi lại trong 4 năm mà vẫn được hưởng những gì tốt nhất của một nền giáo dục hàng đầu, được giảng dạy bởi các chuyên gia từ Mỹ, được thực nghiệm tại các công ty đầu ngành trong và ngoài nước, được trao đổi văn hóa giữa 2 Quốc gia. Ngoài ra với những ai vẫn có đam mê trải nghiệm Ước-mơ-Mỹ thì vẫn có thể lựa chọn hình thức học 1+3 (1 năm học tại Việt Nam, 3 năm học tại Mỹ) hoặc 2+2 (2 năm học tại Việt Nam, 2 năm học tại Mỹ).
Tuy mình biết đi quân sự, học thể dục,… có lẽ sẽ là trải nghiệm rất vui với sinh viên, nhưng chắc chắn Triết học Mac-Lenin thì không dễ dàng, và sinh viên Mỹ thì tất nhiên sẽ không học những môn đó. Chúng mình học Triết học Thế giới, khiêu vũ, bóng rổ, âm nhạc,... Mình thích cách khoa tiếp cận sinh viên. Từ việc truyền đạt kiến thức, cho tới việc đưa văn hóa Mỹ vào đời sống, nó giúp chúng mình mở rộng tầm nhìn, xây dựng tư duy một cách rất văn minh.
Sinh viên SNHU không phải ai cũng có năng lực giống ai, nhưng họ đều có chung phẩm chất về sự chủ động, thông minh, sáng tạo, nét phóng khoáng của người trẻ, nét năng động của phương Tây, và quan trọng là sự lăn xả. Sợ, vẫn phải làm.
Mình coi cuộc đời sinh viên của mình như những viên gạch. Có giai đoạn viên gạch đặt thẳng, cũng có thời kì viên gạch đặt nghiêng, nhưng tựu chung lại, mình có một bức tường. Bức tường ghi dấu những cố gắng phấn đấu va vấp mà không gì mua lại được.
SNHU đã từng là niềm tự hào một thời của sinh viên chúng mình. Và bằng niềm tự hào đó, mình đã bước những bước đi đầu tiên trong hành trình trở thành người lớn. Để hôm nay, khi gia nhập bất cứ tổ chức lớn nhỏ nào, mình cũng có cách để thích nghi và cống hiến. Mình học được rằng, thành tựu dù là gì cũng không phải đỉnh cao, thành tựu là để vin vào đó bước lên cao hơn nữa. Đôi khi còn là áp lực để sống có trách nhiệm hơn. Càng cố gắng hoàn thiện, càng nhận ra mình có hàng nghìn thứ không biết, nhưng với cái cách từng “vẫy vùng”, “vật lộn” thời Đại học, mình không ngại điều gì.
Mình mong các em vững vàng. Vào Đại học là bước đầu tiên để các em trở thành người lớn. Đó là một hành trình nhiều hoang mang, nhưng chẳng sao cả, cuộc đời mỗi người đều phải hoang mang vài lần trước khi thực sự kiên định. Sẽ không ai chỉ cho mình biết chắc chắn đi nước cờ nào là đúng cho cuộc đời mình, hãy lắng nghe bản thân. Mình có gì, mình muốn gì, mình phải làm gì? Không ai ép ta phải sống như thế nào, nhưng tự bản thân cảm thấy mình phải sống thật tốt vì mình và những điều mình có thể làm cho người khác.
Mình đã chọn đúng. Mong các em có những trải nghiệm đẹp như mình!
Call Now Button