Trong bối cảnh toàn ngành đang tích cực triển khai đổi mới toàn diện, và thực hiện các nhiệm vụ của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, tiếp nối thành công của các hội thảo trước, ngày 18/04/2017, Hội thảo khoa học quốc gia “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ & quốc tế học tại Việt Nam” đã được ba trường đại học ngoại ngữ là Trường ĐHNN-ĐHQGHN, Trường ĐHNN-ĐH Huế và Trường ĐHNN-ĐH Đà Nẵng phối hợp tổ chức tại Hà Nội.
Hội thảo có sự tham gia của gần 500 thành viên là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà giáo dục, chuyên gia, học giả, giáo viên trong cả nước.
Phiên khai mạc
Phiên bế mạc
Hội thảo vinh dự được đón GS. Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQGHN và lãnh đạo các ban chức năng ĐHQGHN tới tham dự và chỉ đạo.
Về phía ba trường đồng tổ chức hội thảo có TS. Đỗ Tuấn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐHNN-ĐHQGHN; TS. Bảo Khâm – Hiệu trưởng Trường ĐHNN-ĐH Huế; TS. Trần Hữu Phúc – Hiệu trưởng Trường ĐHNN-ĐHĐN; đại diện lãnh đạo các đơn vị và cán bộ ba trường.
Hội thảo còn có sự hiện diện của lãnh đạo Học viện Khoa học Quân sự, Học viện Quân y, Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện Hậu cần Công an nhân dân, Học viện Ngoại giao, Đại học Sư phạm Hà Nội, các trường đại học thành viên ĐHQGHN, đại diện các đơn vị đào tạo và nghiên cứu các địa phương, vùng miền khác nhau.
PGS.TS. Lâm Quang Đông giới thiệu đại biểu và chương trình Hội thảo
Phát biểu chào mừng và khai mạc Hội thảo, TS. Đỗ Tuấn Minh đã gửi lời cảm ơn đến sự quan tâm tham gia, ủng hộ nhiệt tình của các nhà khoa học trên cả nước. Ông cũng khuyến khích các học giả tiếp tục tiếp tục đầu tư công sức, trí tuệ, đóng góp các bài viết chất lượng, giá trị hơn nữa cho các hội thảo tiếp theo, gần nhất là hội thảo “Nghiên cứu và giảng dạy bản ngữ, ngoại ngữ và khu vực học trong thời kỳ hội nhập” cũng do ba trường đồng tổ chức ngày 28/7/2017 tại Trường ĐHNN–ĐH Đà Nẵng.
TS. Đỗ Tuấn Minh
Đại diện Ban Giám đốc ĐHQGHN, GS. Nguyễn Hữu Đức đã đánh giá cao những nỗ lực của Trường ĐHNN-ĐHQGHN trong việc chuẩn bị và tổ chức hội thảo quốc gia năm 2017. Phó Giám đốc ĐHQGHN cho rằng Nhà trường đang trở thành địa chỉ tin cậy, là nơi tụ hội các nhà khoa học hàng đầu về nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam. Ông cũng đề nghị bên cạnh hợp tác trong đào tạo và phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, các diễn đàn chung, tọa đàm khoa học cho cán bộ, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên, ba trường đại học ngoại ngữ cần đẩy mạnh các đề tài nghiên cứu chung về ngôn ngữ cũng như xây dựng và thực hiện chung một số đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm, đồng thời tăng cường công bố quốc tế và nâng cao vị thế, ảnh hưởng của Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài.
GS. Nguyễn Hữu Đức
Tại phiên toàn thể đã có 3 báo cáo được trình bày là báo cáo “Bài thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học – cao đẳng môn tiếng Anh năm 2016: Một thách thức đối với mục tiêu giáo dục ngoại ngữ ở trường phổ thông Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa” của GS. Hoàng Văn Vân, “Phát triển nghiệp vụ hiệu quả đối với giáo viên tiếng Anh tại Việt Nam” của PGS. TS. Trương Viên và “Phân tích một số đặc điểm của việc dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ cho người nước ngoài tại khoa quốc tế học, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng” của PGS. TS. Lưu Quý Khương.
Ba phần trình bày báo cáo tại phiên toàn thể
Một số ý kiến trao đổi, thảo luận trong phiên toàn thể
Trong khuôn khổ hội nghị, đã có hơn 60 báo cáo được trình bày tại 8 tiểu ban truyền thống và 1 tiểu ban poster. Trước đó, Ban tổ chức hội thảo đã nhận được tổng cộng 110 báo cáo của các nhà nghiên cứu, các nhà giáo và cán bộ ba trường đại học ngoại ngữ, cán bộ nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau như CĐ Cần Thơ, CĐ Sư phạm Đắk Lắk, ĐH Tây Nguyên, ĐH Cửu Long, ĐH Sài Gòn, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, ĐH Quảng Bình, ĐH Y Dược Hải Phòng, ĐH Tây Bắc, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Hạ Long, Học viện Nông nghiệp Việt Nam…
Nội dung các báo cáo thật sự đa dạng, tập trung vào ngôn ngữ học, giảng dạy ngoại ngữ và quốc tế học – những chủ đề xuyên suốt của hội thảo khoa học quốc gia thường niên này. Đặc biệt thú vị là nhiều báo cáo đem đến những góc nhìn mới về những nội dung mới so với những hội thảo trước, chẳng hạn như việc giảng dạy tiếng Việt cho học sinh Lào tại Trường ĐH Tây Bắc, năng lực sử dụng tiếng Việt của thanh niên Hoa kiều tại TP Hồ Chí Minh, hay so sánh tiếng Việt và tiếng Xơ-đăng. Lĩnh vực quốc tế học năm nay cũng có nhiều báo cáo phong phú hơn trước, ví dụ như bức tranh về Hồi giáo ở châu Phi, đặc điểm tính cách ảnh hưởng tới giao tiếp ngôn ngữ của người Hàn, giá trị tinh thần Nga… Một số vấn đề thời sự đã được phân tích và trình bày trong những báo cáo như “Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 có thể học được gì từ kinh nghiệm châu Á” của PGS. TS. Lê Văn Canh, “Đánh giá bài thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học, cao đẳng môn tiếng Anh năm 2016” của GS. Hoàng Văn Vân – bài thi mà tác giả cho là một thách thức đối với mục tiêu giáo dục ngoại ngữ ở trường phổ thông Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hoá.
Phần trình bày báo cáo tại các tiểu ban
Toàn bộ các báo cáo đã được Hội đồng thẩm định xem xét, lựa chọn và sau khi được các tác giả chỉnh sửa, bổ sung theo ý kiến của Hội đồng, một số báo cáo đã được Hội đồng đề nghị đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài và 65 báo cáo được in trong Kỷ yếu.
Trong phần trình bày tại tiểu ban, các đại biểu đều đã thể hiện sự chu đáo trong chuẩn bị và nhiệt tình trình bày về chủ đề của mình. Những báo cáo đều đã thu hút sự chú ý theo dõi của cử tọa. Chủ trì các tiểu ban đều đánh giá cao chất lượng nội dung, đề tài đa dạng của các báo cáo cũng như thảo luận sôi nổi về từng báo cáo.
Đại diện chủ trì các tiểu ban
Phát biểu tại phiên tổng kết, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Long trân trọng cảm ơn Ban tổ chức, các đại biểu tham dự đã góp phần tạo nên một hội thảo rất thành công. TS. Nguyễn Xuân Long rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ các thầy cô trong hội thảo năm 2018.
Phó Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Long phát biểu bế mạc
Hội thảo Quốc gia 2017 đã kết thúc tốt đẹp và nhận được nhiều lời khen ngợi về công tác tổ chức, nội dung chương trình từ các thành viên tham dự.
Nguyễn Thủy-Việt Khoa/ULIS Media