Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là các 99-er sẽ trải qua “kỳ thi đời người” là thi THPT quốc gia 2017. Để vượt qua cửa ải khó khăn này, và đỗ vào đại học hay đi du học, thí sinh cần chuẩn bị và ôn luyện kỹ càng.
Theo thống kê, trong kỳ thi THPT quốc gia 2016. Điểm bài thi môn Ngoại ngữ khá thấp, tập trung trong khoảng 2-4. Tỷ lệ thí sinh đạt điểm 2,25 chiếm cao nhất. Số bài bị điểm liệt (từ 1 trở xuống) chiếm khoảng 1% (52 em). Thí sinh đạt được từ 5 điểm trở lên chiếm khoảng 8,8%. Trong đó, tổng số thi sinh đạt điểm dưới trung bình môn tiếng Anh lên tới 559.784 thí sinh, chiếm 88,27%. Do đó, rất nhiều sĩ tử luôn lo lắng về môn Ngoại ngữ mỗi độ mùa thi về.
Cũng như các môn học khác, Ngoại ngữ cũng cần có phương pháp, bí quyết để ôn thi đạt hiệu quả cao nhất, đặc biệt là khi thời gian ôn tập không còn nhiều. Để giúp các thí sinh ôn thi môn Ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh cho kỳ thi THPT quốc gia 2017 sắp tới, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với TS. Vũ Hải Hà – Trưởng Khoa Sư phạm tiếng Anh của Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội về cách ôn luyện cho môn thi này phù hợp với quy chế thi năm nay.
1.Xin chào TS. Vũ Hải Hà. Nhiều bạn đang rất lo lắng về việc ôn thi môn Ngoại ngữ, cụ thể là môn tiếng Anh. Thầy có thể chia sẻ vài bí quyết giúp các thí sinh ôn thi đạt điểm cao môn này trong 2 tháng cuối cùng này không ạ?
TS. Vũ Hải Hà: Hình thức thi trắc nghiệm toàn bộ đối với bài Ngoại ngữ nói chung và Tiếng Anh nói riêng năm nay sẽ vừa là một tin vui và đồng thời cũng là một thử thách với các bạn thí sinh. Tin vui vì tính trung bình ra ở mỗi câu hỏi, các bạn sẽ có 25 % cơ hội trả lời chính xác. Nhưng thử thách kèm theo cũng không nhỏ: Hình thức thi này luôn đòi hỏi các thí sinh cần phải có một lượng kiến thức tương đối phổ quát và mỗi bài thi là một cuộc chạy đua với thời gian. Trong khuôn khổ có hạn của bài phỏng vấn này, tôi chỉ xin đưa ra ba lời khuyên cho các bạn như sau.
Một là, các bạn cần nhớ rằng dù có ôn luyện ở đâu đi chăng nữa thì điều căn bản trước tiên là phải nắm chắc nội dung kiến thức trong bộ sách giáo khoa. Do sách giáo khoa 10 năm (được thí điểm trong những năm gần đây) chưa được triển khai rộng rãi, các bạn vẫn nên tập trung vào bộ sách giáo khoa 7 năm là chính. Cần hiểu cách học ở đây không phải là việc học thuộc các bài khoá trong sách giáo khoa hay học vẹt các từ và nội dung trong đó. Một trong những bí quyết đơn giản nhưng thường bị các sĩ tử bỏ qua là hãy đừng quên nhìn vào trang mục lục của sách giáo khoa tiếng Anh lớp 10-12. Ở đây, các bạn sẽ thấy được các đề mục ngữ pháp, từ vựng, kỹ năng vv mà các bạn cần nắm vững trước khi thi. Đừng bỏ qua bất cứ nội dung nào vì đã là thi trắc nghiệm thì khả năng các nội dung kiến thức được hỏi sẽ gần như là như nhau. Thế nên đừng học tủ các bạn nhé.
Hai là, không học tủ không có nghĩa là chúng ta không có trọng tâm và định hướng khi học. Nếu quan sát cấu trúc đề thi mẫu của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như xu hướng ra đề của những năm gần đây, các bạn sẽ thấy được một số trọng tâm hay nói cách khác là một số nội dung kiến thức, kỹ năng gần như chắc chắn sẽ có mặt trong bài thi. Ví dụ như xác định trọng âm, phân biệt nguyên âm, phụ âm trong từ, tìm thì và thể thức đúng của động từ, nắm được cấu tạo từ (tiền tố hậu tố) và các hiện tượng đồng nghĩa-trái nghĩa, các câu đáp trong các đoạn giao tiếp nói đơn giản, các cấu trúc câu đơn, câu ghép và liên từ … có thể coi là những nội dung hay gặp và chiếm tỉ trọng đáng kể nhất trong bài thi. Do đó, một mặt chúng ta không học tủ, mặt khác các bạn cần chắc chắn mình nắm thật vững các nội dung quan trọng nói trên trước khi thi nhé.
Ba là, một trong những nỗi lo sợ của các sĩ tử khi đi thi là gặp phải từ mới hay bài đọc khó. Vậy thì trước tiên các bạn phải xây dựng cho mình vốn từ cơ bản. Một trong những cách đơn giản nhất để xây dựng vốn từ này là nắm chắc bảng từ ở cuối sách giáo khoa. Tuy nhiên, thay vì việc học nhồi nhét từ, các bạn cũng cần phát triển kỹ năng đọc nữa, ví dụ như kỹ năng đoán nghĩa của từ dựa vào cấu tạo từ hay dựa vào văn cảnh, kỹ năng đọc lướt và tìm chi tiết nhanh mà không cần hiểu hết tất cả các từ vv. Hãy xác định rằng cái khó của đọc là từ mới và tốc độ, do đó kỹ năng đọc, chứ không phải vốn từ, sẽ là yếu tố quyết định để ghi điểm trong bài đọc các bạn nhé.
Thầy Vũ Hải Hà là một giảng viên trẻ và rất đỗi tự hào của ULIS
2. Theo kết quả của kỳ thi THPT quốc gia 2016 thì phổ diểm môn Ngoại ngữ vẫn còn tương đối thấp. Theo thầy thì học ngoại ngữ có những khó khăn gì?
TS. Vũ Hải Hà: Cá nhân tôi cho rằng trong những năm vừa qua, chúng ta đã dành nhiều sự đầu tư, quan tâm hơn đối với công tác dạy và học ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng. Tuy nhiên điểm số bài thi không tương xứng với những nỗ lực đó, theo tôi vì mấy lý do chính như sau. Ở đây, tôi xin phép không được nói tới những tồn tại “khách quan” đối với người học như trình độ và phương pháp giảng dạy-kiểm tra đánh giá của giáo viên, khó khăn về cơ sở vật chất v.v., một mặt vì những yếu tố này được bàn đến khá nhiều.
Vả lại trong những tháng cuối cùng trước khi ôn thi thì việc chỉ ra những yếu tố này có lẽ không có tác dụng gì nhiều đối với các sĩ tử trong giai đoạn nước rút này nữa. Thay vào đó tôi xin được nhấn mạnh một số yếu tố liên quan trực tiếp tới người học, bởi tôi nghĩ đây là những yếu tố tự thân các bạn học sinh có thể khắc phục được ít nhiều để đạt kết quả cao hơn trong kỳ thi.
Một là, tôi nghĩ nhiều thí sính chưa có kỹ năng làm bài. Như đã nói ở trên, hình thức thi trắc nghiệm tưởng đơn giản mà lại có cái khó riêng của nó. Người làm bài cần nắm lượng kiến thức khá rộng, bên cạnh đó phải có khả năng xử lý nhanh trong khoảng thời gian cho phép. Do đó việc không quản lý tốt thời gian, làm bài thi không bấm giờ thực hiện bài làm của mình, hay ôn thi theo kiểu hời hợt v.v. đều là những lý do quan trọng khiến điểm thi môn tiếng Anh chưa được như ý.
Hai là, các bạn học sinh chưa nắm vững nội dung yêu cầu của đề thi, do đó hoặc là học tủ để rồi bị “lệch tủ”, hay học “tràng giang đại hải” mà không có trọng tâm cụ thể nào cả. Cả hai thái cực này đều nguy hiểm như nhau. Cấu trúc của đề thi sẽ kiểm tra các bạn ở nhiều lĩnh vực khác nhau của tiếng Anh, nên nếu chỉ tập trung học ngữ pháp đơn thuần chẳng hạn thì khó mà trả lời được những câu hỏi về từ vựng, giao tiếp nói, hay ngữ âm – trong khi đây thường được coi là những điểm yếu của học sinh Việt Nam khi học tiếng Anh. Ngược lại, học không có trọng tâm hay định hướng khiến cho các bạn không biết đâu thực sự là điểm yếu của mình để đầu tư nhiều thời gian và công sức hơn vào đó, dẫn đến việc mệt mỏi, căng thẳng, không biết được những lỗi và những “bẫy” phổ biến trong đề thi trắc nghiệm để mà tránh.
Ba là, có một số bạn bị mất cơ bản và mất phương hướng trong việc học tiếng Anh. Điều này thường xảy ra nhiều hơn với đối tượng các bạn thí sinh ở những nơi không có điều kiện học tiếng Anh tốt. Giải quyết vấn đề này không dễ, tuy nhiên tôi cũng mạnh dạn khuyên các bạn có thể cải thiện điểm số của mình ít nhiều bằng cách bấm chắc các nội dung trong sách giáo khoa, đọc thêm một số những quyển sách tiếng Anh tự học khá nổi tiếng như “English grammar in use”, học theo các nội dung trọng tâm thường gặp trong bài thi như đã chỉ ra ở trên, cũng như trang bị cho mình một số những kỹ năng căn bản khi làm bài thi trắc nghiệm.
3. Thầy có thể chia sẻ cách học ngoại ngữ đúng là như thế nào?
TS. Vũ Hải Hà: Câu hỏi này với tôi không dễ trả lời vì quan điểm của tôi là không có một phương pháp và hay cách học cụ thể nào phù hợp cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, theo quan sát và kinh nghiệm của riêng tôi thì quan trọng là các bạn cần phải phát triển niềm vui thích và thói quen sử dụng tiếng Anh trước đã. Điều đó có nghĩa là hãy học tiếng anh một cách thoải mái và thường xuyên nhất.
Ca nhạc, phim truyện, truyền hình, mạng Internet, ngay cả trò chơi điện tử vv. đều có thể giúp bạn học tiếng Anh rất thú vị mà hiệu quả. Thứ hai, các bạn cần phải xác định được mình học tiếng Anh để làm gì. Nghe thì có vẻ hiển nhiên, nhưng thực ra hiện nay có những bạn đạt nhiều giải thưởng học sinh giỏi tiếng Anh nhưng không giao tiếp nổi với người nước ngoài trong đời sống hằng ngày; ngược lại có những em bé ở Sapa hay những bác xe ôm không đi học tiếng Anh một ngày nào nhưng vẫn có thể giao tiếp được trôi chảy và tự nhiên trong cuộc sống .
Vậy thế nào mới là giỏi? Tôi nghĩ cả hai nhóm đối tượng trên đều giỏi, nhưng theo những cách khác nhau. Vấn đề là bạn thích giỏi tiếng Anh “kiểu” nào? Bởi mỗi một kiểu học tiếng Anh sẽ đòi hỏi những phương pháp học tập khác nhau. Còn nếu bạn muốn học giỏi cả hai thì lại phải có sự kết hợp của tất cả những phương pháp đó. Cuối cùng, như tôi đã nói ở trên không có một mẫu số chung nào cho việc học tiếng Anh cả. Đừng cố ép mình phải học theo cách học mà người khác cho là hiệu quả.
Ví dụ như nhiều người từng khuyên tôi mỗi ngày nên học 10 đến 20 từ bằng cách chép thuộc chúng, nhưng cá nhân tôi thấy cách học đó không hiệu quả. Thay vào đó, hàng ngày tôi xem phim truyền hình không có phụ đề, và học từ vựng – phát âm – giao tiếp nói v.v. từ chính những bộ phim ấy thì lại thấy hiệu quả hơn nhiều. Vậy, hãy cứ tìm hiểu và học hỏi từ phương pháp học tập của mọi người xung quanh, và hãy cứ thử nghiệm để xác định cho riêng mình cách học nào tốt nhất với bạn nhé.
Học tiếng Anh cũng cần phải có phương pháp
4. Trường ĐHNN là một trong những cơ sở giáo dục đại học uy tín nhất cả nước về đào tạo ngoại ngữ. Thầy có thể cho bạn đọc biết vài nét về sự hấp dẫn của trường đối với những sĩ tử còn đang băn khoăn trong việc chọn trường không?
TS. Vũ Hải Hà: Cá nhân tôi là một sinh viên của trường, từ khi ra trường tới giờ vẫn có nhiều cơ hội được làm việc và học tập ở các nơi khác, vậy tại sao tôi vẫn gắn bó với ngôi trường này? Đó là bởi trong suốt bốn năm học tập tại trường, tôi thấy điều quan trọng nhất là tôi học được không chỉ có kiến thức mà còn có các kỹ năng và phẩm chất nữa. Kỹ năng ở đây mà tôi nói đến không phải chỉ là kỹ năng thực hành tiếng Anh hay nghiệp vụ sư phạm, biên phiên dịch v.v. mà còn ở kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, kỹ năng học tập.
Không phải vô cớ mà rất nhiều những anh chị tốt nghiệp ULIS đã và đang làm việc trong rất nhiều các tổ chức uy tín trên thế giới. Một trong những lý do chính là kỹ năng làm việc và kỹ năng sống của họ rất tốt, thậm chí được cả quốc tế công nhận, sau khi được đào tạo tại ULIS. Bên cạnh đó là phẩm chất. Dù là bạn chọn ngành nghề nào thì những phẩm chất cơ bản như sự kiên trì nhẫn nại, sự đam mê công việc, sự nghiêm khắc với bản thân v.v. là những điều sẽ khiến các bạn tiến xa trong một xã hội toàn cầu hóa đầy cạnh tranh ngày nay. Mà điều này, tôi tự hào khẳng định, chính là một trong những điểm mạnh của trường. ULIS là môi trường học tập hoàn toàn trong sạch, ở đó các giáo viên đều là những người có tâm và có tầm.
Tôi tin họ bạn sẽ học được rất nhiều bài học làm người từ chính nhân cách, phẩm chất sống và làm việc của họ. Cuối cùng tôi sẽ nhấn mạnh vào từ “cơ hội” vì nó nằm trong chính khẩu hiệu của nhà trường: “Creating opportunities together/Cùng nhau kiến tạo cơ hội”. Học tập ở ULIS sẽ mang lại cho các bạn nhiều triển vọng, cơ hội nghề nghiệp, học tập, học bổng, thăng tiến v.v. trong tương lai. Đó là bởi triết lý đào tạo của chúng tôi không phải là đào tạo cho một con người rập khuôn theo kiểu sản phẩm sản xuất hàng loạt, mà là con người có kĩ năng phẩm chất đủ để họ có thể tồn tại, có thể vươn lên, khẳng định mình trong cuộc sống. Điều đó có nghĩa là bạn hoàn toàn có thể tự tin rằng: bạn sẽ ra trường không chỉ với một tấm bằng mà còn với một thương hiệu, một văn hóa, trình độ có tên ULIS nữa.
* Bài đã được đăng trên Hoc.vtc.vn