Ngô Lan Hạnh

"Nói chung là lúc trước khi vào đại học, tôi đã xác định tư tưởng là đi học trên tinh thần tự giác là chủ yếu, không có thầy cô giáo nào quan tâm như hồi cấp III nữa đâu. Đến khi bắt đầu học ở đây thì tôi mới thay đổi suy nghĩ đó! Thầy cô vẫn cho chúng tôi khoảng trời để phát triển, nhưng vẫn quan tâm từng ly từng tý một như người thân trong gia đinh vậy!"

  • Học bổng Sinh viên Xuất sắc, Sinh viên Giỏi (2011, 2012, 2013)
Xung phong làm lớp trưởng từ năm thứ nhất

Bốn năm vừa qua đã cho tôi trải nghiệm rất nhiều vị trí khác nhau, từ lớp trưởng trên danh nghĩa, tôi kiêm cả gia sư, trợ giảng, thủ quỹ, giữ sổ đầu bài, cho đến cả đòi nợ thuê, "bốc vác", "ôsin cao cấp". Thế nhưng, chưa bao giờ cảm thấy đây là một trọng trách nặng nề, vì các thầy cô ở văn phòng trường luôn rất sát sao mọi việc học tập và hoạt động ngoại khóa của bọn tôi. Cho nên, nhiệm vụ của tôi chỉ là truyền đạt lại các chủ trương và thông tin từ trên trường tới thành viên của lớp. Nếu các bạn có vấn đề hay thắc mắc thì tôi sẽ báo cáo ngay để các thầy cô kịp thời xử lý.

Lúc mới đầu năm thứ nhất, mỗi lần quyết định việc gì của lớp tôi suy nghĩ nhiều lắm. Hồi đó cũng không nhớ vì vấn đề gì mà bị vài bạn trong lớp hiểu nhầm. Nhưng cũng không có ai thắc mắc trực tiếp với tôi nên tôi cũng không biết đi giải thích từ đâu. Tôi nhớ tối hôm đó có một bạn đã nói với tôi: "Không phải nghĩ nhiều đâu, dù Hạnh quyết định như thế nào thì tớ sẽ luôn ủng hộ Hạnh". Chắc bạn ấy quên rồi nhưng tôi thì luôn nhớ câu nói ấy, vì từ đó trở đi tôi học được là làm việc gì thì cũng không nên băn khoăn nhiều như trước nữa. Tự bản thân thấy là đã cố gắng hết sức và thấy tôi đúng thì làm thôi. Ai hiểu được thì tôi không cần giải thích, ai chưa hiểu thì một thời gian rồi sẽ hiểu, còn nếu mãi mãi không hiểu thì giải thích mấy cũng bằng thừa.

Ngày gần tốt nghiệp, những môn cuối cùng bao giờ cũng là môn học khó và giáo viên dạy lại rất nghiêm khắc, lượng bài tập nhiều và yêu cầu đưa ra với bọn tôi cũng cao. Mặc dù đã rất cố gắng so với các kỳ trước nhưng các thầy cô thường xuyên thấy không hài lòng lắm với những bài mà bọn tôi nộp. Còn tình trạng chung của bọn tôi là lúc nào cũng phải tự hỏi: "Không biết là hôm nay còn assignment nào chưa làm không? Tuần này liệu có phải thuyết trình case hay phải nộp report nào không?"

Cũng may mắn cho lớp trưởng tôi là lớp tôi tinh thần đoàn kết rất cao. Vì cùng một nỗi lo chung nên thường xuyên nhắc nhở nhau làm bài đúng giờ rồi hỏi han để giúp đỡ lẫn nhau. Có cả một tập thể cũng đang phải "chịu khổ" như tôi nên áp lực dường như cũng được chia đều ra mỗi người gánh một chút.

4 năm học ở đây đã khiến tôi thay đổi rất nhiều

Đầu tiên là tôi tự nhận thấy tôi trưởng thành lên, không còn là cô học sinh nhút nhát ngày nào. Trước đây khi đi học tôi không thích ngồi bàn đầu (vì sợ thầy cô giáo chú ý) không muốn phát biểu ý kiến (vì lúc đấy tôi nghĩ nó cũng chả giúp ích tôi mấy, và cũng sợ phát biểu sai nữa). Còn việc không hiểu bài mà hỏi lại luôn các thầy cô thì hình như là chưa bao giờ tôi làm, hồi đấy tôi chỉ dám để sau giờ học hỏi các bạn khác mà thôi. Đến khi học đại học, việc ngồi bàn đầu hay bàn thứ 2 là thường xuyên. Mà từ những ngày học đại học tôi cũng đã nhận ra chính việc phát biểu ý kiến cũng là một cách học bài, nhớ bài ngay tại lớp. Đó là quyền lợi của tôi thì tại sao tôi lại không biết tận dụng? Hơn nữa, thầy cô luôn rất khuyến khích sinh viên đặt câu hỏi để tương tác với thầy cô mà. Môi trường ở đây đã dạy tôi chủ động trong mọi việc thay vì thụ động ngồi đấy chờ mọi thứ đến với tôi.

Ở đây tôi cũng được học tinh thần đoàn kết, quan tâm, yêu thương lẫn nhau. Ở đây tôi có gia đình thứ hai, có các thầy cô quan tâm như là ông bà, bố mẹ, anh chị, có các bạn, còn có các em nữa.

Cũng chính ở môi trường này đã dạy tôi cách học hỏi từ người khác. Bốn năm học cùng lớp với các bạn, việc làm nhóm, việc trao đổi trên lớp, về nhà trao đổi với nhau qua mạng làm tôi ngạc nhiên phát hiện ra "vẻ đẹp tiềm ẩn" của mỗi bạn trong lớp - điều mà trước nay tôi không hề biết. Mỗi người đều có ưu điểm của riêng họ, nếu chú ý thì chắc chắn sẽ học được điều gì đó thú vị.

Thầy cô là "idol" của tôi

Tôi nhớ có một cô giáo không còn dạy lớp nữa, nhưng sau hơn 1 năm, lúc tôi gọi điện cho cô hỏi cô có rỗi không, trợ giảng cho lớp em một buổi môn này môn này thì cô nhận lời luôn. Dù hôm đi dạy cô lại bị ốm, đáng lẽ cô có thể bảo chuyển sang ngày khác học nhưng ngày hôm đó cô vẫn dạy bình thường.

Có thầy giáo trước ngày kiểm tra đã hỏi, thế lớp tôi bao nhiêu bạn không có máy tính, thầy có thể mang được 10 cái máy tính cho lớp mượn. Cả lớp mắt tròn mắt dẹt chả hiểu vấn đề và cũng không ai giơ tay. Vậy mà đến hôm thi thầy vẫn mang 4 cái dự bị cho lớp, trong đó có cả máy tính Kitty mà thầy khoe là của con gái thầy. Có một hôm có bài kiểm tra, thầy nghe dự báo thời tiết hôm sau bão về nên rất lo lắng các bạn đi thi sẽ không đảm bảo an toàn, nên chủ động gọi điện cho tôi báo chuyển sang ngày khác kiểm tra bù.

Cuối cùng là cô giáo điều phối viên của chương trình học, danh sách bạn bè trên Facebook của cô chắc chắn phải quá nửa là của sinh viên, lý do rất đơn giản là "để giám sát xem lũ nhóc hôm nay có đi học, học hành chỉn chu hay không hay là lại trốn học đi chơi"...

Nói chung là lúc trước khi vào đại học, tôi đã xác định tư tưởng là đi học trên tinh thần tự giác là chủ yếu, không có thầy cô giáo nào quan tâm như hồi cấp III nữa đâu. Đến khi bắt đầu học ở đây thì tôi mới thay đổi suy nghĩ đó! Thầy cô vẫn cho chúng tôi khoảng trời để phát triển, nhưng vẫn quan tâm từng ly từng tý một như người thân trong gia đinh vậy!

Hồi trước tôi chưa bao giờ có khái niệm ai sẽ là "idol" của tôi đâu. Nhưng từ khi vào đây học, tự nhiên lại thần tượng nhiều thầy cô, mỗi người tôi đều có thể học hỏi được điều gì đấy ngoài kiến thức. Hồi trước tôi cũng chưa bao giờ có ý định sau nay sẽ trở thành cô giáo. Nhưng chính từ những "idol" đó mà nhiều lúc tôi cũng muốn một ngày nào đấy, tôi cũng là cô giáo. Sẽ nhiệt tình như thế, dạy hay như thế, tâm lý như thế.

Call Now Button