Năm 2010, có lẽ lý do chính đưa tôi tới chương trình học liên kết quốc tế với SNHU là do chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Tôi luôn muốn sử dụng tiếng Anh thành thạo nên với lựa chọn này, tôi vừa có chuyên môn, vừa không phải học mỗi tiếng Anh không. Sẽ bớt rất nhiều sự nhàm chán.
Lúc vào học chuyên ngành, một buổi học có thể đi xong 1/7 giáo trình học tương đương với việc chúng tôi phải đọc 5-6 chương lớn trên tổng số 30 chương. Nên việc đọc những ý chính trước khi đến lớp là rất quan trọng để tôi có thể theo dõi bài giảng trên lớp. Với giáo viên Việt Nam, lúc không hiểu tiếng Anh thì thầy cô có thể giảng lại bằng tiếng Việt chứ với giáo viên nước ngoài họ chỉ hiểu từ “cảm ơn” của chúng ta thôi! Muốn sống thì học!
Áp lực nhất phải kể đến ác mộng TOEFL! Ba tháng cày cuốc, ba tháng ăn Tiếng Anh, ngủ Tiếng Anh. Tôi gọi là “ thi đại học lần hai”. Cuộc đời sinh viên, tôi sợ nhất là nó! Và cả đến khi chuẩn bị tốt nghiệp nữa, mỗi tuần phải nộp 2-3 assignment lớn và chúng tôi thấy vô cùng áp lực, lúc nào cũng chỉ sợ trượt, làm bọn tôi rất căng thẳng. Có những assignment cứ nộp rồi bị trả lại, nhiều lần, vì chưa hoàn thiện. Thời gian đó nhóm tôi và tôi bị stress nặng! Lúc đó chỉ cầu cho qua môn để đủ điểm tốt nghiệp thôi.
Trong quá trình học tập ở SNHU Việt Nam, tôi may mắn được học một số môn cùng với Giáo sư Paul Schniderman, một trong những giảng viên đến từ SNHU (campus tại Mỹ), người luôn đối xử với học trò như con cháu trong nhà. Cũng nhờ có những lời khuyên tuyệt vời và sự giúp đỡ nhiệt thành của thầy mà tôi mới có cơ hội nhận học bổng toàn phần bậc Thạc sĩ tại Mỹ.
Sau khi tốt nghiệp tháng 9 năm 2017, tôi được nhận vào làm dự án với hai công ty điện lực khá lớn tại Mỹ.
Cuộc sống hiện tại của tôi cũng không có nhiều khác biệt với những du học sinh Việt Nam khác đang học tập và làm việc tại Mỹ: Cố gắng cân bằng công việc và cuộc sống xa quê hương và khám phá vẻ đẹp của đất nước mình đang sinh sống.
Ngoài công việc ra thì phần lớn thời gian tôi tự đọc tài liệu về những thứ mình quan tâm và đọc sách văn học. Tôi cũng tham gia các hoạt động tình nguyện với cựu sinh viên SNHU và một tổ chức tình nguyện khác tại Boston.
Tôi vẫn luôn tự hào khi là sinh viên của SNHU Việt Nam. Cảm ơn thầy cô đã luôn ủng hộ những kế hoạch hay những quyết định ngô nghê của mấy đứa sinh viên tụi tôi. Nhờ có những sự ủng hộ nhiệt thành ấy, tôi mới tự tin hơn hẳn trong những bước đi sau này. Nếu có cơ hội, tôi luôn mong có thể quay lại trường và đóng góp một chút cho các em sinh viên khóa sau.
Thực ra, tôi không thích làm những công việc quá chuyên sâu vào học thuật. Tôi thích làm những công việc thực tiễn hơn như đi lại, tương tác và giao tiếp với nhiều người nên chọn ngành quản lý dự án vì 75% thời gian của một quản lý dự án là giao tiếp!
Khi du học ở Mỹ mới thấy, sự nổi trội của giáo dục Mỹ là hệ thống quản lý và hỗ trợ hoàn hảo cung cấp cho người học môi trường đầy đủ để phát triển theo từng giai đoạn từ thể chất đến tinh thần, như hệ thống thư viện, phòng lab, trung tâm trợ giảng với từng bộ môn, phòng gym, hồ bơi, sân tennis và các hoạt động ngoại khoá bên lề không đếm xuể.
Điều tôi thích nhất là trung tâm phát triển nghề nghiệp, nơi đào tạo và chuẩn bị kĩ năng phỏng vấn và kỹ năng nghề nghiệp và có thể kết nối sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp tới hệ thống alumni và các công ty liên kết tuyển dụng với trường. Nhìn sơ sơ như một hệ thống có đầu vào và đầu ra khép kín.
Từ khi còn nhỏ, tôi đã theo bà ngoại đi chùa nên tư tưởng của tôi bị ảnh hưởng rất nhiều từ đạo Phật về hạnh phúc và thành công.
Muốn hạnh phúc thì cũng đơn giản lắm, sống chân thành và biết hài lòng với những gì mình đang có thì tự khắc bản thân sẽ bỏ bớt được rất nhiều sự so bì hơn thua với người khác.
Nhưng biết hài lòng và chấp nhận thực tại không có nghĩa là từ bỏ nỗ lực vượt lên chính mình. Tôi tự thấy bản thân có một sức sống khá mạnh mẽ, luôn lấy những điều chê trách để làm bài học và hoàn thiện mình hơn mỗi ngày. Khi có ai đó nói tôi không thể làm được điều gì đó, dù thất vọng nhưng luôn có một tiếng nói mạnh mẽ cổ vũ tôi phải đạt được nó.
Call Now Button